Dưới thời Phùng Bạt Phùng_Hoằng

Năm 410, một người anh em họ của Phùng Bạt tên là Phùng Vạn Nê (馮萬泥) và con trai của một người anh em họ khác tên là Phùng Nhũ Trần (馮乳陳) đều cảm thấy rằng họ đã có công lớn mà chỉ được phong làm tướng chỉ huy tại các thành Phì Như (肥如, nay thuộc Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc) và Bạch Lang (白狼, nay thuộc Triều Dương, Liêu Ninh). Họ vì thế đã cùng nhau nổi loạn. Phùng Bạt đã cử Phùng Hoằng và Trương Hưng (張興) đi đánh họ, và sau khi bị Phùng Hoằng và Trương Hưng đánh bại, họ đã đầu hàng, song Phùng Hoằng vẫn cho xử tử hai người này. Sau sự kiện này, Phùng Bạt phong ông là Trung Sơn công.

Sử sách ít ghi chép về các hoạt động của Phùng Hoằng trong hầu hết thời gian trị vì của Phùng Bạt, chỉ biết rằng ông vẫn có được vị trí đầy quyền lực trong triều đình, và đến năm 430 ông trở thành thừa tướng. Cùng năm, Phùng Bạt lâm bệnh nặng, và ông đã ban hành một chiếu chỉ chuyển giao quyền lực cho Phùng Dực. Tuy nhiên, người thê thiếp họ Tống mà Phùng Bạt sủng ái lại muốn cho con trai của bà ta là Phùng Thụ Cư (馮受居) thừa kế ngai vàng, và do đó bà ta đã nói với Phùng Dực rằng Phùng Bạt sẽ sớm phục hội và rằng ông không phải lo lắng về quyền lực; Phùng Dực chấp thuận và lui về cung của mình. Tống thị sau đó đã giả lệnh của Phùng Bạt để ông không thể giao thiệp với bên ngoài, và Phùng Dực và các con trai khác, cũng như các triều thần, đều không được phép nhìn Phùng Bạt. Chỉ có một triều thần mà bà ta tin tưởng tên Hồ Phúc (胡福) là có thể vào cung để phụ trách an ninh. Tuy nhiên, Hồ Phúc trong lòng đã cảm thấy phẫn uất trước các tham vọng của Tống thị, và ông ta đã thông tin cho Phù Hoằng, người đang là thừa tướng, về ý định của bà. Phùng Hoằng ngay lập tức đã tiến đánh hoàng cung và nắm quyền kiểm soát nó. Phùng Bạt nghe được tin này đã chết vì quá choáng váng. Phùng Hoằng sau đó chiếm lấy ngai vàng và đánh bại đội quân của Phùng Dực, thảm sát tất cả con trai của Phùng Bạt. Ông sử dụng tước hiệu "Thiên vương".